Quay về
Trang chủ

Mandala - Hợp nhất Từ bi và Trí tuệ


“Mandala chính là vũ trụ. Vũ trụ gồm có vòng bên ngoài và phần trung tâm tinh tuý. Vũ trụ được bao trùm bởi tình thương yêu. Tâm điểm của tình thương ấy là trí tuệ. Không có trí tuệ thì tình thương yêu sẽ bị sử dụng sai và sẽ mang đến vô vàn đau khổ”

 

 

Theo giáo lý Đức Phật khai thị, cuộc đời hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào những nghiệp trong quá khứ của chúng ta. Và những kiếp sống tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp ta đang tạo ra trong đời sống hiện tại. Nếu mong muốn một đời sống tốt đẹp hạnh phúc trong tương lai, chúng ta phải gieo nhân lành trong hiện tại. Bởi thế, chúng ta cần trưởng dưỡng trí tuệ và tình yêu thương hay phát triển Bồ đề tâm. Đây là những sự thực hành căn bản. Những thực hành này trong thuật ngữ thông thường chúng ta gọi là từ bi và trí tuệ, Đại thừa Phật giáo gọi là Bồ đề tâm, còn trong Kim cương thừa chúng ta gọi là Mandala hay Ganachakra.

Mandala là thuật ngữ của Phật giáo Kim cương thừa với nghĩa là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Theo nghĩa đen, Mandala chính là vũ trụ. Vũ trụ gồm có vòng bên ngoài và phần trung tâm tinh túy. Mandala như thế là toàn bộ vũ trụ tràn ngập tình thương yêu với tâm điểm là trí tuệ. Nguồn gốc của cuộc sống là trí tuệ hiểu biết. Nếu không có trí tuệ sẽ không có tình yêu thương đích thực, không có tình thương thì không có cuộc sống. Không có trí tuệ thì tình thương yêu sẽ bị sử dụng sai và sẽ mang đến vô vàn đau khổ. Bởi thế trung tâm của vũ trụ và của cuộc sống chính là trí tuệ.

Mandala đá quý Đức Phật Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc.

Nếu chiết giải nghĩa của từ Mandala trong tiếng Phạn thì chữ “Man” biểu trưng cho tâm và chữ “dou” (hay “dala”) biểu trưng cho các hoạt động công hạnh. Như thế, tâm từ bi cần phải được hiện thực hóa qua các hoạt động của tình yêu thương đích thực. 

Do cả ba thừa Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa đều hướng tới mục đích cao quý là sự giác ngộ, bởi vậy hành giả cần hợp nhất giáo lý của cả ba thừa để có thể hiểu được ý nghĩa đích thực. Mỗi thừa có cách thức thể hiện và phương pháp tu tập đặc trưng để thực hành từ bi và trí tuệ. Mandala là cách thức đặc trưng của Kim cương thừa vì nguyên lý của Kim cương thừa là hợp nhất tất thảy Tiểu vũ trụ (vũ trụ bên trong) và Đại vũ trụ (vũ trụ bên ngoài) vào sự thực hành. Ví dụ, nếu muốn thực hành pháp tu Bản tôn Phật Quan Âm, bạn cần tập trung vào tâm từ bi và còn cần hợp nhất tất thảy pháp giới vào phương pháp trưởng dưỡng tâm từ bi. Bởi vậy, trong Kim cương thừa, thực hành Mandala rất quan trọng.

Mandala Đức Phật Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc.

Mục đích các thừa là không khác nhưng nguyên lý, cách thức thì có khác nhau. Triết học căn bản và vô cùng đặc trưng của Kim cương thừa là hợp nhất hết thảy tình yêu thương hay vũ trụ trong sự thực hành. Theo đó, khi thực hành các pháp tu Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Quan Âm, Trí tuệ Văn Thù hay Thượng sư Liên Hoa Sinh, chúng ta tu tập với phương pháp hợp nhất toàn bộ vũ trụ vào sự hiểu biết, nhất tâm vào sự giác ngộ. Sự thực hành này không chỉ để khai triển Bồ đề tâm mà thực sự hợp nhất toàn thể vũ trụ. Đó là ý nghĩa Mandala biểu trưng. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Kim cương thừa lại có các khái niệm và phương tiện tu tập như Mandala, Ganachakra. Kim cương thừa sử dụng Mandala để hợp nhất toàn bộ vũ trụ trong sự thực hành với mục đích chính để khai triển tâm từ bi và trí tuệ. Khi Từ bi - Trí tuệ viên mãn đủ đầy và được hợp nhất trong tâm thì lúc đó hành giả sẽ chứng đạt giác ngộ.

Mandala được thiết lập mang lại “kiến tức giải thoát” hay sự giải thoát qua đỉnh lễ và chiêm bái. Điều này nghe có vẻ dễ dàng bởi dường như chỉ với sự chiêm bái hình ảnh Mandala bạn sẽ chứng đạt giải thoát. Tất nhiên bản thân Mandala mang lại sự giải thoát, nhưng chúng ta không nên chỉ đơn giản cho rằng Mandala là để thờ phụng hay chiêm ngưỡng, sùng bái với những động cơ bị tham, sân, si chi phối hay bất kỳ sự phóng chiếu nhị nguyên nào của tâm. Bạn cần phải thực hành, thiền quán và đưa tâm mình vào trạng thái thiền định, hợp nhất tất thảy vũ trụ. Đó mới là sự thực hành Mandala chân chính.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tập trung thực hành Mandala. Chúng ta cần hợp nhất toàn thể vũ trụ vì toàn thể vũ trụ là sự phóng chiếu của tâm. Khi hiểu được bản chất và sự vận hành của tâm, bạn có thể đạt quả vị Phật hay chứng đạt sự giác ngộ cứu kính.

Nhiều người không hiểu biết chút gì về giác ngộ. Họ cho rằng giác ngộ là thứ gì đó như một loại ánh sáng rực rỡ chiếu trên đỉnh đầu. Đó là hiểu biết sai lầm. Giác ngộ không là gì khác ngoài sự hợp nhất của toàn thể vũ trụ vào trong thiền định. Thời điểm bạn chứng đạt Đại từ, Đại bi, Đại trí tuệ dựa trên nền tảng của Đại trí tuệ mới là giác ngộ chân chính.

Để thể hiện sự giác ngộ, Kim cương thừa giới thiệu cho chúng ta toàn thể vũ trụ. Mandala mô tả chi tiết bản tâm hay toàn bộ vũ trụ qua các biểu tượng và đồ hình. Vì giác ngộ chính là toàn thể vũ trụ nên thực hành thiền định Mandala sẽ giúp chúng ta dần chứng đạt mốc thành tựu tâm linh cao nhất này.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa gia trì khai mở Mandala Đức Phật Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên

Khi chiêm bái Mandala cát, chúng ta thấy phần bên ngoài là vòng lửa biểu trưng cho hành động. Đến giờ, do thiếu nền tảng hành động và thiền quán nên hiểu biết về đời sống của chúng ta vẫn quá hạn hẹp, chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào những xúc tình tiêu cực. Thực hành Mandala sẽ mang lại tự do giải thoát. Tự do là điểm trọng yếu trong giáo lý của Đức Phật. Chúng ta cần tự do để giải thoát khỏi những xúc tình tiêu cực và sự thống khổ. Nhưng điều đó không có nghĩa các xúc tình là xấu, là đối tượng chúng ta phải đè nén hay kình chống. Các xúc tình cần được sử dụng và thực hành một cách trí tuệ. Đó là chất liệu cho sự thực hành chuyển hóa giác ngộ. Theo quan kiến đạo Phật, tình cảm mang lại những đau khổ tột cùng, nhưng nếu được nhìn nhận và thực hành một cách đúng đắn, nó sẽ được chuyển hoá thành trí tuệ tối thượng. Việc thực hành Mandala sẽ giúp bạn chuyển hóa những xúc tình phiền não thành Ngũ Trí Phật. Đó chính là nguyên lý và con đường tiến tới giải thoát giác ngộ.

~ Trích ấn phẩm “Mandala, hợp nhất từ bi và trí tuệ theo quan kiến Kim cương thừa” - Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành.


Top

Tin liên quan

Tạo bởi SlimWeb - Công cụ thiết kế web miễn phí