Quay về
Trang chủ

Bồ Đề Tâm Nguyện (P1)


P1 : Tăng Trưởng Hiểu Biết & Trí Tuệ Nội Chứng
Chúng ta có mặt trên cõi đời này để tìm cảm hứng cho mình và truyền cảm hứng cho nhau hướng tới giác ngộ. Việc phát khởi Bồ đề tâm nguyện mở ra không gian bao la trong tâm thức, giúp hành động, suy nghĩ của bạn được thấm nhuần từ bi, trí tuệ và hướng đến lợi ích của người khác một cách tự nhiên nhậm vận.
 

Khi trưởng dưỡng tâm mình, bạn thư giãn, chiêm nghiệm về động cơ đằng sau mỗi hành động, lắng nghe điều gì giúp mình có cảm hứng và chú tâm trong đời sống thường nhật. Với động cơ và nguồn cảm hứng đúng đắn, bạn sẽ khám phá được con đường thực sự muốn đi thay vì thụt lùi một cách ức chế và mất phương hướng. Làm sao chúng ta có được động lực để làm những điều thật ý nghĩa nếu thiếu đi cảm hứng ? Chúng ta đưa ra hàng ngàn lý do. Khi để tâm chao đảo trong cuồng phong hỗn loạn của xúc tình phiền não, chúng ta sẽ mất đi sự tỉnh thức vốn có và lãng quên nguồn cảm hứng hiện diện khắp nơi mà cuộc sống ban tặng cho bạn. Vì thế, hãy bắt đầu bằng việc dành chỉ vài phút mỗi ngày để ngồi xuống, quan sát và chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của cuộc sống và thế giới này. Dần dần, chúng ta sẽ tìm lại được nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực vốn có. Hãy rộng mở trái tim, cởi mở tâm trí và kết nối với cuộc sống vốn luôn tươi đẹp nhiệm mầu.
 
“Bạn cần biết đích đến để đón ngọn gió giúp con tàu cập bến”~Lucius Annaeus Seneca~
 

Niềm cảm hứng chính là sự động viên và nguồn ân phúc gia trì lớn lao giúp bạn vượt qua mọi chướng ngại. Một trong những cách tuyệt vời để trưởng dưỡng cảm hứng, tăng trưởng hiểu biết và trí tuệ nội chứng là thực hành thiền định. Thật vui mừng khi thấy nhiều người biết hướng sự quan tâm và nỗ lực của mình vào pháp thực hành này. Khi được thực hành thường xuyên, hiểu biết đến từ thiền định sẽ xua tan bóng mây của những định kiến, chấp trước, phóng chiếu, ngụy tạo thường thêu dệt, che phủ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ thôi đặt điều kiện cho lời nói hoặc hành động của mình và nhận ra điều quan trọng là hành động chứ không phải kết quả hay những kỳ vọng mà ta đã đặt ra.
 
“Điều quan trọng là hành động chứ không phải kết quả. Bạn cần thực hiện những việc làm tốt đẹp và đúng đắn. Có thể bạn chưa thành công hay thậm chí chẳng gặt hái kết quả gì, song tâm bạn không nên thoái nản. Lúc này, chúng ta chưa biết kết quả việc mình làm, nhưng nếu không làm gì, chắc chắn sẽ không có thành quả nào đến với bạn.”~Mahatma Gandhi~
 
Có hai loại thiền định: thiền quán đòi hỏi bạn phải tư duy để hiểu bản chất của thế giới; và thiền định đòi hỏi bạn giữ tâm lắng đọng, an tịnh, tỉnh thức trong hiện tại. Bạn không phân tích, suy tư hay vọng tưởng, chỉ cần tỉnh thức và cố gắng để tâm không sao nhãng.
 

Thiền giúp chúng ta bình tâm, làm lắng đọng những dòng tư tưởng vẩn vơ và giúp chúng ta an trú trong sự giác tỉnh. Tiếp đến chúng ta có thể khám phá và tìm thấy con đường cho riêng mình. Có rất nhiều cách để bắt đầu cuộc hành trình, nhưng tất cả đều có chung một hướng. Đừng lo lng bạn đang “ở cấp” độ nào trên chặng đường này. Hãy tinh tấn thực hành, thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất cho bạn.
Sự thiền định được thực hiện qua hai giai đoạn. Thứ nhất là thiền qua sự thực hành trong thời khóa tu tập chính thức và thứ hai là giai đoạn hậu thiền hay suy ngẫm thực hành trong đời sống thường nhật. Nếu bạn mới bắt đầu tu tập thì giai đoạn hậu thiền sẽ thích hợp và lợi lạc hơn. Khi tu thiền, ta phải an trú trong tâm không và đối với người mới thực hành, điều này thật không dễ dàng gì. Chúng ta có thể ngồi trong yên lặng, lãng phí rất nhiều thời gian tưởng như để thiền định, song thực chất lại thường dễ dàng lạc mất chính niệm. Chúng ta không biết điều gì đang diễn ra, tâm ta bị phân tán, lang thang khắp nơi.
 

Với hậu thiền, chúng ta lắng nghe mọi dòng suy tư và dành thời gian quán chiếu chúng. Ví dụ, chúng ta ngắm bình minh để suy nghĩ về tính vô thường và sức mạnh của hiện tại, hoặc ta quan sát mọi người để thấy rằng tất cả chúng ta đều chung cảnh ngộ, rằng chúng ta đều giống nhau. Cách thiền định này giúp chúng ta hòa nhập với thế giới quanh mình, trong khoảnh khắc này, ngay khi bạn pha một tách trà lúc mới thức giấc trong sự tĩnh lặng của buổi sớm mai. Điều này giúp chúng ta thường xuyên nhìn lại mình, quán chiếu mọi lỗi lầm và cố gắng giảm thiểu chúng bằng cách trưởng dưỡng những phẩm hạnh và động cơ chân chính.
(Còn tiếp phần 2: Hãy Để Tâm Hồn Tràn Ngập Lòng Từ Bi)
(Trích từ ấn phẩm Giác ngộ mỗi ngày, do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành).

Top

Tin liên quan

Tạo bởi SlimWeb - Công cụ thiết kế web miễn phí