Quay về
Trang chủ

Bồ Đề Tâm Nguyện (P2)


P2 : Hãy Để Tâm Hồn Tràn Ngập Lòng Từ Bi
 
“Hãy trải nghiệm cảm giác ngồi một mình trong khu vườn tĩnh mịch lúc bình minh hay trong đêm tối để được trầm mình trong không gian lắng đọng nhiệm màu” ~James Douglas~
 
Chúng ta có thể thiền quán trong bất cứ hoàn cảnh nào để chiêm nghiệm về lòng từ bi, nguồn cảm hứng, tâm chí thành, tình yêu đích thực hay những điều tương tự như vậy.
 

Chúng ta thậm chí có thể hành thiền hàng ngày theo những cách rất giản dị, ví dụ như ngay tại công sở. Mỗi khi có vấn đề xuất hiện, ta lại quán chiếu tâm ta, để ý xem cách chúng ta phản ứng và những bài học ta có được. Cuộc sống hàng ngày có vô số cơ hội để chúng ta thực tập các chủ đề như lòng từ bi, xả bỏ bám chấp. Khi chúng ta thực sự quan sát cuộc sống hàng ngày với con mắt thiền quán, mọi thứ sẽ trở nên sống động và gần gũi với chúng ta, thay vì là những bài pháp hay nhưng lạ lẫm xa rời đời sống.
 
Mọi suy nghĩ và hình tướng đang diễn ra quanh bạn đều là chân giáo pháp.
 
Thông thường, chúng ta hay bị mắc kẹt trong tham ái của bản thân mà quên mất những gì đang diễn ra ngay xung quanh. Khi bắt đầu quan sát từng chi tiết của thế giới bên ngoài, ta sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng, niềm xúc động từ những con người và sự việc mà trước đây mình chưa hề để ý. Đối tượng khám phá không cần phải to tát xa xôi, mọi chuyển động, suy nghĩ và hình tướng đều có thể trở thành chân giáo pháp. Những bài pháp thực tiễn này giúp ta mở mang trí tuệ hiểu biết với hiệu quả lớn hơn nhiều việc tiếp cận lý thuyết sách vở. Do vậy, hãy để ý, chúng ta sẽ tìm thấy giáo pháp ngay trong cuộc sống diễn ra quanh mình.
 

 
Hãy bắt đầu bài thực tập này bằng cách đơn giản là nhìn kỹ hơn vạn pháp quanh ta. Có thể lúc đầu bạn dành một chút thời gian thực tập rồi từng bước biến thực hành này thành một phần của đời sống hàng ngày. Thay vì ngồi trên tàu hỏa vùi đầu vào mấy tờ báo nhàm chán theo thói quen cũ, hãy thử quan sát mọi người và cảnh vật mà trước đây bạn chẳng bao giờ để ý. Có thể một phụ nữ cao tuổi sẽ cảm ơn vì bạn đã biết lịch sự nhường chỗ ngồi cho bà; Nếu vẫn chúi đầu đọc báo như mọi khi, có lẽ bạn đã không thể nhận ra những người cần được trợ giúp.

Trong quá trình thực hành, bạn nên quán chiếu về những thăng trầm trong cuộc sống của chính mình. Bạn không nên chôn vùi những bí mật này và dồn nén cảm xúc, hãy để chúng hiển lộ để bạn có thể chiêm nghiệm và rút ra bài học. Điều này thường không dễ dàng như ta tưởng. Bị bủa vây bởi các lớp vỏ của bản ngã và sự hiểu lầm vô minh, chúng ta rất dễ bị mắc bẫy rồi tự lừa dối bản thân. Hãy cởi mở với những góc khuất của chính mình và soi rọi chúng từ những góc nhìn khác nhau.
 

Chẳng hạn, nếu bạn cảm thấy lo lắng và sợ hãi về một điều gì đó, đừng vội cho rằng như vậy là ngớ ngẩn hay yếu đuối. Ngẫm xem có gì ẩn chứa đằng sau những cảm xúc đó, rồi bạn sẽ biết cách nhìn nhận vấn đề với nhãn quan tích cực hơn. Vâng, bạn có thể lo sợ một việc gì tệ hại sẽ xảy ra, nhưng thường thì điều đó cũng hàm ý rằng bạn đang nắm trong tay cơ hội tuyệt vời để thực hiện một việc làm có ý nghĩa ngay bây giờ. Bạn lo lắng về một điều sẽ trôi qua, vậy sao không “trở về” hiện tại để tìm lại nguồn cảm hứng, thay vì bận tâm lo lắng về những mất mát thua thiệt?
 
“Sự quán chiếu quán tưởng sẽ chữa lành những hỗn loạn trong tâm” ~Ngạn ngữ Tây Tạng~
 
Thiền định và quán tưởng là những phương tiện hiệu quả giúp bẻ gãy vòng xoáy tiêu cực của luân hồi phiền não. Với tâm hứng khởi, bạn có thể quán chiếu mọi tình huống từ góc độ mới mẻ hay tìm thấy bài pháp từ những thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn hay than vãn: “Ôi, mình lại mắc sai lầm” hay “Sao mình luôn xui xẻo vậy?”. Hãy tự cho mình chút thời gian để dừng lại, hít thở thật sâu và bình tĩnh suy nghĩ. Có thể bạn sẽ nhận ra mình chẳng cần chạy theo những lối mòn và tìm được cho mình một con đường mới. Thực hành theo cách này, bạn có thể xả bỏ được những dòng suy tư luẩn quẩn, rối loạn đang chiếm lĩnh tâm trí khiến bạn mơ hồ lạc lối. Thay vì tưởng tượng những điều tồi tệ đến từ một tương lai bất định, hãy tri ân những gì mình có ngay trong lúc này.
 

Hãy biết đặt lợi ích người khác nên trên hết
 
Có một số sách vở nói về lòng từ bi và tình yêu thương chỉ ra rằng mọi người cần yêu thương bản thân mình trước, sau đó mới bắt đầu thực hành lòng từ bi hướng tới mọi người. Rằng bạn cần rộng lượng với bản thân để có thêm lòng kiên nhẫn và khoan dung… Tuy nhiên, hãy biết đặt lợi ích người khác lên trước. Đây là cách chúng ta kiểm tra động cơ để loại trừ sự chi phối của bản ngã. Đồng thời, hãy luôn nhớ rằng qua việc chăm sóc bản thân một cách đúng đắn, chúng ta sẽ tăng thêm sức mạnh cho hạnh nguyện chân chính, đó là chăm lo giúp đỡ mọi người.
(Trích từ ấn phẩm Giác ngộ mỗi ngày, do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành).

Top

Tin liên quan

Tạo bởi SlimWeb - Công cụ thiết kế web miễn phí